Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Lạm phát thấp nhưng chỉ nhất thời, còn tiềm ẩn nỗi lo

Thông thường lạm phát thấp là điều đáng mừng nhưng nó phải có tính ổn định lâu dài, còn thống kê 6 tháng đầu năm tuy thấy lạm phát thấp nhưng tương lai tiềm ẩn tăng mạnh.

Việc chỉ số lạm phát đang ở mức thấp cho thấy kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tốt bởi các lần điều chỉnh lớn nhỏ khác nhau ở tầm vĩ mô của nhà nước, tuy nhiên kết quả đẹp này lại chưa được ổn định vì theo nhiều chuyên gia kinh tế thì rất có thể đến cuối năm chỉ số lạm phát sẽ nhảy vọt như ngọn lửa lớn nổi bùng lên, blog tin tức Bồ Câu Số chỉ mong điều này có thể được chặn đứng từ sớm hoặc chí ít có thể "đỡ" được nếu việc nó diễn ra là điều không thể tránh khỏi.

Khâu phân phối nhiều tầng nấc khiến nhiều mặt hàng thực phẩm như thịt heo, gà... khi bán ra thị trường vẫn ở mức cao - Ảnh: T.T.D.

Đưa tin về nhận định này đã có bài Lạm phát thấp: mừng ít lo nhiều của trang TTO với những nhận định được viết ra khá rõ ràng:

Mặc dù chỉ số giá (CPI) sáu tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 1,38%, thấp nhất trong 13 năm qua, thế nhưng nhiều chuyên gia vẫn lo ngại cuối năm CPI sẽ bùng lên do giá dịch vụ y tế, học phí, xăng dầu... tăng.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo về diễn biến giá cả sáu tháng đầu năm và dự báo sáu tháng cuối năm do Viện Kinh tế tài chính và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 30-6.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nửa đầu năm 2014 mặc dù CPI so với tháng trước và so với năm 2013 tăng chậm hẳn lại, song CPI tháng 6-2014 so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 4,98%. Còn bình quân sáu tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Nói cách khác, CPI tính theo năm vẫn đang ở mức cao so với thông lệ quốc tế. Đây là điểm đáng phải lưu ý.

Bà Ngô Thị Ánh Dương, phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng nếu so sánh với chính mình thì CPI của VN thấp nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN, tốc độ tăng lạm phát của VN vẫn ở mức rất cao. Đối với khu vực ASEAN, CPI bình quân năm tháng đầu năm của Thái Lan so với cùng kỳ năm ngoái tăng 2,6%, Malaysia 3,2%, Singapore 2,5%, Lào 5,3%...

Mặt khác, bà Ngô Thị Ánh Dương lo lắng khi đưa ra nhận định CPI cả nước sẽ tăng trong sáu tháng cuối năm khi mà các tỉnh thành tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế và học phí. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Cục Quản lý giá cũng dẫn chứng việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập đối với 477 dịch vụ kỹ thuật tại TP.HCM từ đầu tháng 6 đã làm chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tháng 6-2014 tăng 0,87%.

Ngoài hai nhân tố tác động rất mạnh đến CPI sáu tháng cuối năm như nêu trên, ông Nguyễn Minh Thụy (Viện Kinh tế - tài chính) cho rằng giá xăng dầu cũng sẽ đẩy CPI tăng nhanh hơn. Nguy cơ giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo giá thế giới là rất dễ xảy ra.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đã phải thốt lên rằng giá cả vẫn đứng ở mức rất cao dù sức mua giảm sút thê thảm. Nhất là ở siêu thị, giá luôn đắt hơn ở ngoài chợ. Ông đơn cử một ký đường bán ở chợ 16.000 đồng, nhưng giá ở các siêu thị là 21.000-24.000 đồng, trong khi giá nhà sản xuất bán ra chỉ 12.000 đồng. Hay một ký thịt heo ở chợ dân sinh là 85.000 đồng, còn các siêu thị là 100.000 đồng và suốt 5-7 tháng nay vẫn đứng ở mức này.

Trong khi đó, có thời điểm giá heo hơi chỉ 34.000 đồng/kg. Lý do là hệ thống phân phối hàng hóa từ nhà sản xuất đến các siêu thị có quá nhiều tầng nấc, các khâu trung gian. Siêu thị không mua hàng thẳng từ nhà máy mà phải qua 3-4 đại lý. Thậm chí trên thị trường xuất hiện hiện tượng đầu cơ thao túng giá, ép giá đầu vào, đẩy giá đầu ra. Đó là còn chưa kể các chi phí như vận chuyển, bảo quản hàng hóa... của ta còn rất cao.

Ông Phú nhấn mạnh tất cả những yếu tố đó làm cho giá cả hàng hóa ở thị trường không xuống được dù tồn kho tăng cao, như đường tồn kho lên tới 600.000 tấn. Giá vẫn ngất ngưởng thì đương nhiên người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi dù trong bối cảnh thu nhập giảm sút. Do đó theo vị này, cơ quan quản lý cần phải điều hành quyết liệt hơn nữa trong vấn đề giá, trong đó chú trọng đến công tác tổ chức lại hệ thống phân phối, nghiêm trị những hành vi đầu cơ thao túng giá. Riêng đối với các mặt hàng thiết yếu như đường, lương thực, thực phẩm... thì cơ quan quản lý cần phải xem lại, như giá đường có bất hợp lý không khi giá bán lẻ cao gần gấp đôi so với giá nhà sản xuất bán ra...?

Dù sao tờ giờ tới cuối năm vẫn còn kha khá thời gian, nếu đã có thể nhìn ra được nguy cơ và vấn đề ở đâu thì có lẽ giải pháp rồi cũng sẽ có, vấn đề còn lại lại người hay cơ quan có thẩm quyền giải quyết điều này liệu có để tâm và thực hiện được chăng?

Blog Bồ Câu Số

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét